Lịch sử Hắc Dịch

Dưới thời nhà Nguyễn, Hắc Dịch là một làng thuộc tổng An Trạch, huyện Long Khánh, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa.

Đến thời Pháp thuộc, làng Hắc Dịch thuộc tổng Cơ Trạch (được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 tổng An Trạch và Cơ Long), quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa.

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Bà Rịa thành tỉnh Phước Tuy. Lúc này, xã Hắc Dịch thuộc quận Châu Thành, tỉnh Phước Tuy.

Ngày 23 tháng 12 năm 1961, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tách 4 xã thuộc quận Châu Thành (trong đó có xã Hắc Dịch) để thành lập quận Đức Thạnh.

Thời kỳ này, xã Hắc Dịch gồm 4 ấp: Cây Dầu, Thống Nhất, Châu Pha, Lò.

Sau năm 1975, xã Hắc Dịch thuộc huyện Châu Thành.

Ngày 8 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 192-HĐBT[3]. Theo đó:

  • Tách một phần diện tích và dân số của xã Hắc Dịch để thành lập xã Châu Pha
  • Sáp nhập ấp Trảng Lớn của xã Phú Mỹ vào xã Hắc Dịch.

Ngày 2 tháng 6 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 45-CP[4]. Theo đó, chuyển xã Hắc Dịch về huyện Tân Thành mới thành lập và tách 2.620 ha diện tích tự nhiên, 7.361 người của xã Hắc Dịch (gồm ấp Sông Xoài 1, ấp Sông Xoài 2 và ấp 3) để thành lập xã Sông Xoài.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Hắc Dịch còn lại 3.436 ha diện tích tự nhiên và 6.752 người, gồm các ấp: 1, 2, 4, Trảng Cát và Trảng Lớn.

Ngày 12 tháng 4 năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 492/NQ-UBTVQH14[1]. Theo đó, chuyển huyện Tân Thành thành thị xã Phú Mỹ và thành lập phường Hắc Dịch trên cơ sở toàn bộ 32 km² diện tích tự nhiên, 16.565 người của xã Hắc Dịch.